12:23 ngày 16/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay thương hiệu xe máy điện Yadea

17:56 21/05/2024

(THPL) - Những ngày qua, hãng xe máy điện Trung Quốc Yadea khiến cộng đồng mạng Việt tranh cãi dữ dội về việc ghi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa bằng tiếng Trung Quốc trên trang chủ. Trên các diễn đàn và ngay cả trên fanpage chính thức của hãng Yadea, nhiều khách hàng Việt Nam đã truy cập, bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi sai trái của hãng xe này và kêu gọi tẩy chay xe máy điện Yadea.

Cộng đồng người tiêu dùng phẫn nộ, lên tiếng kêu gọi tẩy chay xe điện Yadea

Sự việc bắt nguồn từ ngày 19/5, một tài khoản người dùng trong lúc tìm kiếm hệ thống cửa hàng trên trang chủ của Yadea Việt Nam đã phát hiện bản đồ trực tuyến không hiển thị trên trang chủ và cũng không có hệ thống cửa hàng. Khi chuyển qua sử dụng IP nước ngoài mới thấy xuất hiện bản đồ và có liệt kê tên cửa hàng.

Cụ thể, trên trang web https://www.yadea.com.vn của Yadea Việt Nam, bản đồ hiển thị trong mục "Cửa hàng" là bản đồ sử dụng tiếng Trung Quốc. Tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được viết bằng tiếng Trung Quốc, dịch ra là Tây Sa và Nam Sa. Đây là tên gọi mà Trung Quốc sử dụng cho hai quần đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Chủ đề này được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn, cộng đồng ô tô xe máy tại Việt Nam.

Bản đồ trên trang web của Công ty Yadea Việt Nam viết tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam theo tiếng Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình.

Trên các diễn đàn và ngay cả trên fanpage chính thức của hãng xe máy điện, xe đạp điện Yadea, nhiều khách hàng Việt Nam đã truy cập, bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi sai trái của hãng xe này.

Nguyễn Thảo Chi, sinh viên Đại học Ngoại thương, bày tỏ: “Đối với bản thân tôi là người dân Việt Nam thì tôi không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ là đối với người tiêu dùng Việt Nam như tôi thì tôi sẽ không sử dụng những sản phẩm của hãng xe điện này”.

Lê Vũ Thiệu Khoa, sinh viên Đại học Ngoại giao, cho biết: “Nếu em có nhu cầu mua xe điện, em cũng sẽ không chọn những công ty bán xe điện này khi họ không công nhận chủ quyền của Việt Nam”.

Trên các diễn đàn, phần đông các ý kiến đều tỏ ra phẫn nộ và đòi tẩy chay hãng xe máy điện Trung Quốc Yadea. Một tài khoản có tên Minh Nguyen bình luận: "Tẩy chay thôi. Bài học của các thương hiệu khác ở Việt Nam vẫn còn nguyên. Yadea không biết điều này là cấm kị sao". Tương tự, tài khoản Ý Phan cũng viết: "Của ai thì của nhưng Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam. Đã bán xe Yadea và mua xe Việt".

Bên cạnh đó, nhiều đại lý xe máy điện bày tỏ sự hoang mang trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với thương hiệu Yadea. Khi lựa chọn làm đối tác phân phối cho hãng xe Trung Quốc này, họ không lường trước có ngày lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" như vậy. Một bên là hợp đồng đại lý đã ký, hàng vẫn tồn kho, một bên là tình cảm, trách nhiệm lên tiếng vì chủ quyền đất nước, cộng với làn sóng dữ dội của cộng đồng kêu gọi tẩy chay hãng Yadea, khiến các đại lý "méo mặt". Anh B. (một đại lý xin giấu tên) lo lắng cho biết "Cứ thế này, tôi sợ rằng người tiêu dùng quay lưng hết, còn cơ quan chức năng có thể sẽ tạm dừng đăng kiểm xe máy điện Yadea, lúc đó đại lý chuyên bán xe Yadea như chúng tôi không biết xoay sở ra sao?"

Thương hiệu xe máy điện Yadea thực sự sơ suất, hay chỉ là ngụy biện?

Cũng liên quan đến lùm xùm trên, một chuyên gia công nghệ cho biết, việc chặn các nhà mạng tại Việt Nam để khách hàng trong nước không xem được thông tin là cách làm phổ biến giúp nhiều công ty nước ngoài tránh các thông tin nhạy cảm hoặc vì lý do nào đó. Nhưng cách làm này sẽ khiến người dùng ở nước ngoài có thể hiểu sai về bản chất thông tin. Trường hợp của Yadea Việt Nam là liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia.

Chuyên gia này cho rằng, nếu hệ thống bản đồ nhúng vào website không đảm bảo tuân thủ pháp luật của nước sở tại, không có lý do nào để hãng vẫn sử dụng.

Trong diễn biến liên quan, Yadea cho biết hãng đã kiểm tra và thừa nhận có sự "sơ suất" như thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Cụ thể, trong văn bản phản hồi báo chí mới đây, đại diện hãng xe Trung Quốc viết: "Liên quan đến sự việc này, chúng tôi thừa nhận đã vô cùng sơ suất trong việc phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ xây dựng website và đối tác cung cấp bản đồ để hiển thị thông tin/hình ảnh chính xác".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến người tiêu dùng cho biết không chấp nhận lý giải như vậy của hãng xe Yadea. Họ cho rằng việc Yadea đổ lỗi cho công ty xây dựng website và nhà cung cấp dịch vụ bản đồ chỉ là hành vi ngụy biện vòng vo, đánh tráo khái niệm.

Yadea được thành lập vào năm 2001, là thương hiệu sản xuất xe máy điện của Trung Quốc.

Theo tìm hiểu, Yadea được thành lập vào năm 2001, là thương hiệu sản xuất xe máy điện lớn của Trung Quốc. Yadea cho biết Việt Nam là thị trường nước ngoài lớn nhất thế giới của hãng. Danh mục sản phẩm của Yadea tại Việt Nam hiện có 15 xe máy điện và 3 mẫu xe đạp điện. Số lượng cửa hàng của Yadea là hơn 700 tại Việt Nam, trong đó có hơn 200 cửa hàng chuyên doanh, chỉ bán xe Yadea. 

Vì sao các thương hiệu xe Trung Quốc liên tiếp có "sự cố bản đồ"?

Trước Yadea, thông tin vi phạm chủ quyền Việt Nam từng xuất hiện trên một số sản phẩm ôtô xuất xứ Trung Quốc. Hồi tháng 10/2019, tại triển lãm Ôtô Việt Nam 2019, khách tham quan phát hiện chiếc Volkswagen Touareg trưng bày có bản đồ đường lưỡi bò trong ứng dụng điều hướng. Hãng Đức xác nhận đây là sơ suất khi không kiểm tra kỹ trước khi mang xe đến triển lãm.

Mẫu xe trưng bày tại triển lãm năm đó được Volkswagen Việt Nam đặt hàng hãng mẹ Volkswagen AG tại Đức theo diện tạm nhập tái xuất. Volkswagen AG sau đó chỉ định cho đại lý Việt Nam nhập chiếc Touareg từ Trung Quốc và dẫn đến sự việc nêu trên.

Cơ quan chức năng sau đó xử phạt công ty TNHH ôtô Thế giới 40-60 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 6-9 tháng vì hành vi nhập khẩu chiếc Touareg có bản đồ chứa đường lưỡi bò. Còn công ty TNHH ôtô Volkswagen Việt Nam bị phạt 20-40 triệu đồng vì trưng bày chiếc Touareg tại triển lãm do lỗi nêu trên.

Trước đó, nhiều mẫu xe Trung Quốc như Zotye, BAIC do công ty Kylin nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có tình trạng tương tự. Nguyên nhân là các xe này sản xuất tại Trung Quốc và đều được cài phần mềm ứng dụng bản đồ định vị vệ tinh trên trang Web Navigation. Tuy vậy, do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu về giao thông tại Việt Nam nên phần mềm nói trên không hoạt động được, mà chỉ hiện thị hình nền bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò. 

Nêu quan điểm về những "sự cố bản đồ", một số chuyên gia trong ngành ô tô Việt Nam cho rằng, các thương hiệu, đơn vị phân phối ô tô, xe máy nên cẩn trọng hơn trong khâu kiểm tra sản phẩm hoặc truyền thông. Tuyệt đối không để những sai sót "nhạy cảm" về bản đồ hay chủ quyền xảy ra. Bởi dù vô tình hay cố ý, những sự cố này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dư luận và hậu quả sẽ rất khó lường.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu